Tranh bá với nước Sở Tấn Cảnh công

Năm 597 TCN, Sở Trang vương mang quân vây nước Trịnh. Trịnh Tương công cầu cứu nước Tấn. Tấn Cảnh công sai các đại phu Tuân Lâm Phủ, Sĩ Hội, Khước Khắc, Loan Thư, Tiên Hộc, Hàn Quyết mang quân cứu Trịnh.

Quân Tấn đi chậm, khi đến nơi thì Trịnh Tương công đã phải ra hàng và ăn thề với Sở Trang vương. Tuân Lâm Phủ định quay về, Tiên Hộc đề nghị tiến quân giao chiến. Tuân Lâm Phủ lệnh cho toàn quân qua sông Hoàng Hà.

Trịnh Tương công đã hàng Sở nên phải mang quân phối hợp với Sở cùng đánh Tấn. Hai bên đánh nhau to, quân Tấn bị đánh bại. Khi chạy về đến sông Hoàng Hà, các binh sĩ tranh nhau qua sông, nhiều người bị giết. Tướng Trí Anh bị bắt[2].

Về đến Giáng đô, Tuân Lâm Phủ xin chịu tội chết vì thua trận. Tấn Cảnh công định chấp nhận thì Sĩ Hội can nên để Tuân Lâm Phủ sống để báo thù nước Sở. Tấn Cảnh công nghe theo.

Năm 596 TCN, con Tiên Chẩn là Tiên Hộc vì đề nghị tiến quân nên bị thua lớn, sợ bị tội chết bèn bỏ trốn sang nước Địch. Tiên Hộc bàn mưu với nước Địch đánh Tấn. Tấn Cảnh công bèn giết cả nhà Tiên Hộc.

Năm 595 TCN, Tấn Cảnh công đánh Trịnh để báo thù việc theo Sở nhưng không thắng. Năm 594 TCN, Sở Trang vương lại mang quân đánh nước Tống. Tống Văn công cầu cứu Tấn. Tấn Cảnh công định cứu Tống nhưng Bá Tôn can rằng Sở hùng mạnh không thể thắng được. Vì vậy, Tấn Cảnh công sai Giải Dương đi sứ nước Tống, nói dối là viện binh nước Tấn sẽ đến.

Giải Dương đến nước Tống, bị quân Trịnh bắt được, nộp cho Sở Trang vương. Vua Sở bắt Giải Dương phải đến trước thành nước Tống nói rằng viện binh Tấn không đến để Tống Văn công đầu hàng. Giải Dương nhận lời, nhưng khi đến trước thành lại khuyên nước Tống cố thủ chờ viện binh Tấn. Sở Trang vương nổi giận định giết Giải Dương, nhưng vì cấp dưới can Giải Dương là tấm gương trung thành, nên vua Sở thả Giải Dương về.